Gần đây một sự việc liên quan đến việc mua bán chiếc xe điện cũ Xiaomi SU7 đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng trên nền tảng Weibo.
Câu chuyện về “Người đàn ông mua xe cũ và chủ sở hữu ban đầu khóa xe từ xa” đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội của Trung Quốc.
Theo đó, vào ngày 7/9, anh Cung, cư dân Trịnh Châu, Hà Nam, đã tìm thấy một chiếc Xiaomi SU7 cũ được rao bán trực tuyến. Anh đã quyết định di chuyển đến Thạch Gia Trang, Hà Bắc để hoàn tất giao dịch với số tiền 205.000 nhân dân tệ (khoảng 722 triệu đồng). Tuy nhiên giao dịch này đã gặp phải sự cố nghiêm trọng khi chủ sở hữu ban đầu khóa xe từ xa do bất đồng về khoản thanh toán.
Thông tin cho biết, anh Cung đã thanh toán 2001.000 nhân dân tệ và đồng ý trả thêm 4.000 nhân dân tệ khi hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sở hữu. Tuy nhiên, sau khi lái xe về nhà, anh nhận được yêu cầu tăng giá từ chủ sở hữu ban đầu. Khi anh từ chối, chủ sở hữu đã sử dụng hệ thống quản lý từ xa của xe để hủy bỏ quyền ủy quyền.
Chủ sở hữu ban đầu khẳng định rằng không có hợp đồng bằng văn bản, chỉ có thỏa thuận miệng, do đó giao dịch không được coi là hoàn thành vì anh Cung chưa thanh toán đủ. Ông cũng phủ nhận việc yêu cầu tăng giá. Tuy nhiên, hồ sơ trò chuyện giữa hai bên cho thấy họ đã thỏa thuận về giá cả và phần lớn số tiền đã được thanh toán.
Trước những bằng chứng này, chủ sở hữu ban đầu đã thay đổi lập trường và cáo buộc anh Cung can thiệp vào hồ sơ. Để bảo vệ quyền lợi của mình, anh Cung đã quyết định nhờ đến pháp luật, yêu cầu tòa án can thiệp để buộc chủ sở hữu ban đầu thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
Các luật sư tham gia vụ việc nhấn mạnh rằng, vì cả hai bên đã thỏa thuận giá qua WeChat và một phần thanh toán đã được thực hiện nên đã có một phần thực hiện hợp đồng. Việc giao xe cũng đồng nghĩa với việc chủ sở hữu ban đầu có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm hợp đồng nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng.
Vụ việc này không chỉ là một bài học cho cá nhân liên quan mà còn cho tất cả những ai tham gia vào giao dịch sản phẩm đã qua sử dụng. Các chuyên gia khuyến nghị rằng nên có hợp đồng chính thức và ghi lại các giao dịch để đảm bảo thỏa thuận rõ ràng từ đó tránh các tranh chấp có thể xảy ra. Người mua cần phải xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong bất kỳ giao dịch nào liên quan đến sản phẩm cũ nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân.