ARM Holdings có trụ sở tại Anh đã quyết định hủy bỏ giấy phép cho phép Qualcomm sử dụng tài sản trí tuệ của mình để thiết kế chip.
Theo thông báo từ ARM, Qualcomm đã được thông báo trong vòng 60 ngày về việc hủy bỏ thỏa thuận cấp phép kiến trúc. Hợp đồng này cho phép Qualcomm phát triển các chip dựa trên tiêu chuẩn do Arm sở hữu. Cuộc chiến pháp lý này có thể gây xáo trộn thị trường smartphone và PC, đồng thời ảnh hưởng đến tài chính và hoạt động của cả hai công ty.
Qualcomm hiện bán hàng trăm triệu bộ xử lý mỗi năm, chủ yếu cho các thiết bị Android, do đó nếu việc hủy bỏ giấy phép có hiệu lực, Qualcomm có thể phải ngừng bán các sản phẩm chiếm phần lớn doanh thu khoảng 39 tỷ USD của mình hoặc đối mặt với các yêu cầu bồi thường thiệt hại lớn.
Tranh chấp này bắt nguồn từ vụ kiện mà Arm đã đệ trình vào năm 2022, cáo buộc Qualcomm vi phạm hợp đồng và xâm phạm nhãn hiệu. Arm đã cho Qualcomm thời hạn 8 tuần để khắc phục tranh chấp. Hiện tại cả hai công ty đang tiến hành xét xử để giải quyết các khiếu nại vi phạm hợp đồng.
Lý do tình cảm Arm – Qualcomm rạn nứt
Bất đồng giữa hai bên tập trung vào việc Qualcomm mua lại một bên được cấp phép khác của Arm vào năm 2021 và không thành công trong việc đàm phán lại các điều khoản hợp đồng. Qualcomm cho rằng thỏa thuận hiện tại cần phải được bao gồm các hoạt động của công ty mà họ đã mua, cụ thể là startup thiết kế chip Nuvia.
Thiết kế vi xử lý của Nuvia đã trở thành trọng tâm trong các chip PC mới mà Qualcomm cung cấp cho các công ty như HP và Microsoft. Đầu tuần này, Qualcomm đã công bố kế hoạch tích hợp thiết kế Nuvia có tên Oryon vào các chip Snapdragon cho smartphone. Tuy nhiên, Arm cho rằng động thái này vi phạm giấy phép và yêu cầu Qualcomm hủy bỏ các thiết kế của Nuvia được tạo ra trước khi công ty này được mua lại.
Trước khi xảy ra tranh chấp, Arm và Qualcomm là những đối tác thân thiết trong ngành công nghiệp smartphone. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo mới, cả hai công ty đang theo đuổi các chiến lược ngày càng biến họ thành đối thủ cạnh tranh. Dưới sự dẫn dắt của CEO Rene Haas, Arm đã chuyển sang cung cấp các thiết kế hoàn thiện hơn, trong khi Qualcomm dưới CEO Cristiano Amon đang dần rời xa việc sử dụng thiết kế của Arm.
Arm Holdings đã được SoftBank mua lại vào năm 2016 và một phần đã được bán cho công chúng sau khi chính thức IPO vào tháng 9/2023. SoftBank hiện vẫn nắm giữ hơn 80% cổ phần của Arm.
Về phần mình, Qualcomm có lý do để tin tưởng chiến thắng nhờ vòa kinh nghiệm trong các tranh chấp cấp phép, nơi công ty đã từng giành chiến thắng trong các vụ kiện lớn, bao gồm cuộc chiến pháp lý với Apple vào năm 2019.