Một trong những thành phần không thể thiếu khi lắp ráp một PC chính là bộ nguồn (PSU), vốn chịu trách nhiệm xử lý điện cấp cho hệ thống.
Khi mua PSU, nhiều người thích lựa chọn một sản phẩm có công suất cao hơn nhiều so với mức cần thiết của hệ thống để phục vụ việc nâng cấp trong tương lai. Điều này tất nhiên sẽ tiêu tốn thêm ngân sách của người dùng, tuy nhiên liệu nó có cần thiết hay không?
PC sử dụng ít năng lượng hơn
Rất nhiều nhà sản xuất cung cấp PSU 1000W mà nhiều người tin là cần thiết cho một PC chơi game tầm trung. Tuy nhiên, điều đó không thực tế bởi hầu hết PC chơi game tầm trung tiêu thụ khoảng 300-500W khi đầy tải, có nghĩa PSU 1000W có đủ công suất để cung cấp cho 2 PC chơi game cùng lúc.
Để có cái nhìn rõ hơn, hãy xem xét một PC cực kỳ cao cấp với GPU tiêu dùng mạnh nhất là RTX 4090 với mức tổng công suất đồ họa (TGP) 450W. CPU tiêu dùng mạnh nhất là AMD Ryzen Threadripper PRO 7995WX có công suất thiết kế nhiệt (TDP) là 350W. Nvidia đề xuất PSU tối thiểu là 850W để hệ thống hoạt động mà không gặp sự cố. Hãy nhớ rằng chỉ số đề xuất của nhà sản xuất là khi chúng chạy ở công suất gần quá tải, vì vậy ngay cả hệ thống như vậy cũng không thể khai thác PSU trên 1000W.
Mặc dù có những tranh cãi rằng PSU công suất cao ít lãng phí năng lượng hơn so với PSU công suất thấp khi xét về một khối lượng công việc, nhưng thực tế là không rõ ràng vì PSU tuân theo đường cong hiệu suất năng lượng và tùy thuộc vào tải. Ngay cả con số tốt nhất, sự khác biệt chỉ khoảng 5-10W, tương đương khoảng vài chục nghìn đồng mỗi năm nếu PC chạy 8 giờ/ngày.
Phần cứng tương lai thường hiệu quả hơn
Lý do phổ biến mọi người mua PSU có công suất quá mức cần thiết là vì tương lai, ví dụ muốn gắn GPU mạnh hơn về sau là suy nghĩ chung của người lắp ráp PC. Nhìn bề ngoài là vậy nhưng mọi người có thể quên rằng phần cứng mới thường tiết kiệm điện hơn.
Bóng bán dẫn nhỏ hơn trên các bộ phận sẽ hoạt động hiệu quả hơn, giúp tiêu thụ ít dòng điện hơn dù hoàn thành nhiều tác vụ. Nếu PSU 650W cung cấp cho RTX 4070 hiện tại, nó có thể phục vụ cho RTX 5070 hoặc thậm chí RTX 6070 tương lai.
Với CPU, các nguyên tắc cũng tương tự khi CPU thường có cùng TDP trong cùng một cấp giữa các thế hệ. Hạn chế duy nhất mà người dùng gặp phải chính là socket CPU, nơi họ có thể phải đầu tư vào một mainboard hiện đại hơn.
Thay PSU khi cần PC hoàn toàn mới
PSU có một loạt các linh kiện điện tử có dòng điện liên tục chạy qua để giúp PC hoạt động như dự kiến. Linh kiện này sẽ xuống cấp dần theo thời gian, ảnh hưởng đến hiệu suất của PSU.
Các tụ điện cũ đặc biệt nguy hiểm vì việc mất điện dung có thể khiến dòng điện chạy qua PC không ổn định, gây ra sự cố hệ thống, mất và hỏng dữ liệu, các vấn đề về hiệu suất và lỗi phần cứng. Thậm chí, tồi tệ hơn khi tụ điện cũ có thể phát nổ và gây hỏa hoạn nghiêm trọng.
PSU tương đối rẻ nên không đáng để mạo hiểm khi người dùng có thể mua các PSU chất lượng cao từ thương hiệu uy tín với giá khoảng từ 1 triệu đồng cho công suất 500W. Nếu hệ thống cần PSU công suất cao hơn thì sẽ đắt hơn.
Chất lượng và thiết kế
Đừng bao giờ để con số công suất cao đánh lừa vì chất lượng và thiết kế của PSU quan trọng hơn nhiều. PSU 850W từ một thương hiệu không xác định có thể nổ tung sau một thời gian sử dụng là điều có thể xảy ra. Để yên tâm, hãy chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín về chất lượng như Corsair, Cooler Master, Seasonic, EVGA hay ASUS.
Nhìn chung, không cần phải trả quá nhiều tiền cho một PSU mà người dùng sẽ không bao giờ sử dụng hết, thay vào đó hãy để dành khoản tiền chi cho việc nâng cấp nhằm cải thiện hiệu suất. Chỉ cần PSU đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và đến từ một thương hiệu có uy tín, đồng thời cung cấp khoản dự phòng 100-200W cho tương lai là được.