Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiêu thụ phải một lượng lớn hạt vi nhựa có trong nhiều loại thực phẩm mà mình ăn uống.
Trong vài năm trở lại đây, sự hiện diện của hạt vi nhựa trong thực phẩm đang là điều thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học, đặc biệt là những ảnh hưởng lâu dài của nó đối với con người và liệu chúng có gây hại cho cơ thể chúng ta hay không. Những hạt vi nhựa này thậm chí có thể tìm thấy trong nước uống mà chúng ta tiêu thụ.
Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy hạt vi nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng đây là một vấn đề ngày càng quan trọng. Đó cũng là điểm hấp dẫn đối với các nhà sản xuất để tung ra các sản phẩm giúp loại bỏ hạt vi nhựa.
Giờ đây, một nghiên cứu từ Đại học Y Quảng Châu và Đại học Tế Nam của Trung Quốc cho thấy một thủ thuật rất đơn giản giúp có thể loại bỏ những hạt vi nhựa này khỏi nước sinh hoạt hàng ngày, đó là đun sôi nước.
Theo nghiên cứu này, đun sôi nước uống là hành động có thể loại bỏ tới 80% hạt nhựa nano và hạt vi nhựa (NMP) có trong nước. Trong số các nguyên tố phổ biến nhất của nhóm này có thể tìm thấy polystyrene, polyethylene hoặc polypropylene, vốn xuất hiện trong nhiều loại sản phẩm mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và cũng có thể có trong một số loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ.
Nghiên cứu đã tính đến các thử nghiệm khác nhau ở cả nước cứng và nước mềm, tức là cả nước có lượng khoáng chất lỏng lớn hơn và nước thực tế không có khoáng chất. Sau khi thêm vi nhựa vào, họ đun sôi nước trong 5 phút rồi để nguội. Trong các thử nghiệm, họ nhận thấy rằng chỉ cần đun sôi nước, 80% hạt vi nhựa có kích thước từ 0,1 đến 150 micron có thể bị loại bỏ.
Các tác giả của nghiên cứu giải thích rằng, khi đun sôi nước cứng, vôi hoặc canxi cacbonat (CaCO₃) sẽ được hình thành. Khi nhiệt độ tăng lên, nguyên tố này hình thành các vảy hoặc cấu trúc tinh thể bao bọc các hạt nhựa.
Kết quả của thí nghiệm này cho thấy nước sôi có thể trở thành một giải pháp rất đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm để lọc nước uống khỏi ô nhiễm nhựa. Được biết, trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm thấy lượng rác thải nhựa và vi nhựa khổng lồ ở nhiều nơi, không chỉ ở sông hồ mà còn ở các vùng xa xôi ở các đại dương trên thế giới. Chất thải này có thể được mang đến các khu vực bằng gió, lượng mưa và dòng chảy sâu.